Bệnh xương khớp lâu nay thường hay xuất hiện ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, người trẻ tuổi mắc bệnh xương khớp có xu hướng tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt của các bạn trẻ thường hay thức khuya, ăn uống không điều độ dẫn đến thiếu chất, lao động nặng, thường xuyên mang giày cao gót, thể thao sai cách,…

Các bệnh xương khớp thường đau dai dẵng, nhức nhói khi chuyển mùa lạnh,…gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu và khó tập trung cho người bệnh.

Sau đây là 3 loại thuốc theo y học cổ truyền giúp bạn khắc phục những cơn đau nhức của bệnh xương khớp:

Cây xấu hổ (cây mắc cỡ)

Theo y học cổ truyền, cây xấu hổ có vị ngọt, hơi se, tính hơi hàn, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, chống viêm, làm dịu đau, hạ áp, tiêu tích, lợi tiểu. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây xấu hổ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, chữa được chứng mất ngủ.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và cành lá. Rễ được đào quanh năm, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cành lá thu hái vào mùa hạ, dùng tươi hay phơi khô.

Một số bài thuốc:

Chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại: Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như sau: Rễ xấu hổ (thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm) 30g sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày.

Hoặc: Rễ xấu hổ, hy thiêm, gai tầm xoọng, dây đau xương, thiên niên kiện, thổ phục linh, tục đoạn, dây gắm, kê huyết đằng, mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc: Rễ xấu hổ, rễ bưởi bung, rễ cúc tần, mỗi thứ 20g; rễ đinh lăng, rễ cam thảo dây, mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày 1 thang, có thể ngâm rượu.

Hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát đau xương, thấp khớp, tê thấp: Rễ cây xấu hổ và rễ cây lá lốt, mỗi thứ từ 15 – 20g khô, sắc uống trong ngày. Hoặc dùng nước sắc cây xấu hổ và cây lá lốt, cho thêm một chút muối ăn để ngâm các khớp bị bệnh trong thời gian chừng 20 – 30 phút khi nước thuốc còn ấm.

Thuốc tắm chữa viêm khớp: Cây xấu hổ, lá lốt, mỗi thứ 40-50g, lá long não 20g, quế chi 15g, hoắc hương, tía tô, cây hy thiêm, lá ngải cứu, đơn tướng quân mỗi thứ 30 – 40g. Cho tất cả vào nồi, thêm nước xâm xấp đun sôi, tới khi có mùi thơm tỏa ra trùm vải kín để hơi nước thuốc ngấm vào bộ phận bị bệnh, xông khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày. Tới khi mồ hôi ra toàn thân thì dừng lại. Nên xông hoặc tắm hơi ngày 1 lần. Mỗi liệu trình 2 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần rồi làm tiếp liệu trình khác.

Dây đau xương

Dây đau xương tên khoa học là Tinospora sinensis Merr, còn có các tên khác như: Tục cốt đằng, khoan cân đằng, khau năng cấp.

Dây đau xương có tính mát, vị đắng, quy vào kinh can với công dụng dược lý: Khu phong, trừ thấp, mạnh gân, hoạt cốt, thư cân hoạt lạc, đau nhức xương khớp, phong tê thấp.

ThS.BS. Trần Danh Phương – Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, dây đau xương khi kết hợp với các vị thuốc khác nhau, công năng trong điều trị xương khớp của các bài thuốc cũng sẽ khác nhau.

Một số bài thuốc:

– Dây đau xương khi sắc cùng với lá lốt, rễ cỏ xước, đơn gối hạc, cốt khí củ, cam thảo nam, rễ tầm xọng (mỗi vị 20g). Uống mỗi ngày 1 thang (đến khi bệnh thuyên giảm) có tác dụng điều trị chứng đau nhức cơ thể và xương khớp do phong thấp

– Dây đau xương kết hợp cùng củ mài, thỏ ty tử, rễ cỏ xước (mỗi vị 12g) và đỗ trọng, cốt toái bổ, tỳ giải (mỗi vị 16g) đem ngâm rượu hoặc sắc thuốc uống hàng ngày giúp trị chứng đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu. Với thuốc sắc, mỗi thang chia làm 3 lần uống trong ngày.

– Dây đau xương (16g) sắc cùng tế tân, cam thảo (mỗi vị 6g), xuyên khung, quế (mỗi vị 8g), tang ký sinh (16g), rễ cỏ xước tẩm rượu, sao vàng (20g), tục đoạn, tần giao, độc hoạt, đảng sâm, bạch thược, đương quy và thục địa, mỗi vị 12g rất hữu ích trong hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp. Mỗi ngày uống 1 thang, chia 3 lần.

Lưu ý: Dây đau xương còn có thể kết hợp theo nhiều cách khác với các vị thuốc khác mang đến hiệu quả trong điều trị các bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, lưu ý với người có tạng hàn cần được bác sĩ tư vấn kỹ trước khi sử dụng.

Cây khương hoạt

Khương hoạt, hay còn là Xuyên khương, có tên khoa học là Notopterygium incisum Ting Mss. Họ Hoa tán Apiaceae.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ khương hoạt. Rễ sau khi được đào đem cắt bỏ đầu rễ, cạo vỏ, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Theo y học cổ truyền, khương hoạt có vị cay, đắng, tính ấm, quy kinh bàng quang, can và thận; có tác dụng tán hàn giải biểu, dùng khi cảm mạo phong hàn, sốt không ra mồ hôi, đau đầu, toàn thân đau mỏi. Có thể phối hợp với đương quy, uy linh tiên, kê huyết đằng, tần giao để chữa viêm khớp thể phong thấp.

Một số bài thuốc:

Trị đau vai, đau cứng cổ, cứng gáy: Khương hoạt, độc hoạt mỗi vị 9g; cảo bản, xuyên khung, phòng phong, cam thảo mỗi vị 6g; mạn kinh tử 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng trước bữa ăn.

Trị bán thân bất toại, đi lại khó khăn, tay cầm không vững: Khương hoạt, đương quy, hương phụ (chế giấm) mỗi vị 12g; độc hoạt, ngũ gia bì, uy linh tiên, chỉ xác, nhũ hương, ô dược, phòng phong mỗi vị 9g; vảy tê tê (tôi giấm) 6g; cam thảo 6g. Nhũ hương để riêng. Các vị khác sắc nước, sau đó hòa tan nhũ hương vào nước sắc còn nóng, rồi uống.

Trị đau nhức xương khớp, thần kinh ngoại biên từ thắt lưng trở lên đầu: Khương hoạt, phòng phong, thương truật mỗi vị 12g; xuyên khung, bạch chỉ, sinh địa, hoàng cầm, cam thảo mỗi vị 8g; tế tân 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1 giờ.

Lưu ý: Những người huyết hư, không do nguyên nhân phong hàn thì không dùng vì thuốc mang tính ôn táo dễ hao tổn tân dịch.

(Tổng hợp: Báo Sức Khỏe và Đời Sống của Bộ Y Tế)

BÌNH LUẬN VỀ BÀI VIẾT