Lá tía tô (Kinh giới)

Tía tô, còn gọi là tử tô, tô tử, tử tô ngạnh, é tía. Sách“Bản thảo cương mục”gọi tử tô là xích tô, cần phân (Dao), phằn cưa (Tày), hom tô (Thái), tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Briton, thuộc họ Hoa môi (Lamaiaceae).

Đông y cho rằng tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Lá có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa, trừ cảm lạnh. Thân cành lợi tiêu hóa. Hạt trừ hen, trị ho, làm long đàm.

Cách dùng: Tía tô tươi 15 – 20g giã nát, chế nước sôi gạn nước trong để uống. Hoặc lá tía tô khô hãm nước sôi uống. Uống xong đi nằm đắp chăn. Hai cách này dùng cho trẻ em người già yếu.

Tỏi

Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên – vũ khí hữu hiệu chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm và viêm đường hô hấp; chữa tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư…

Tinh dầu từ tỏi giàu glucogen và aliin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, cacbon hydrat, polisaccarit…; các khoáng chất cần thiết cho cơ thể: iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ tỏi chữa cảm cúm và viêm đường hô hấp.

Cách dùng:

Bài 1: Giã vài củ tỏi, vắt lấy nước cốt, pha thêm nước (tỷ lệ 1 nước tỏi/10 nước sôi để nguội). Hàng ngày, buổi tối, trước khi đi ngủ nhỏ vài giọt vào mũi. Chú ý tránh pha đặc sẽ nóng bỏng.

Bài 2: tỏi 15g, gừng sống 15g, đường đỏ vừa đủ. Tỏi, gừng cắt nhỏ, thêm 1 bát nước, đem sắc đến khi còn nửa bát, cho đường đỏ vào khuấy đều, uống 1 lần trước đi ngủ. Trị cảm mạo phong hàn (không ra mồ hôi, sợ lạnh, sợ gió, ngây ngấy có khi sốt…).

Bài 3: tỏi vài ba nhánh bóc bỏ vỏ rửa sạch. Mỗi lần ngậm vào miệng 1 nhánh, ngậm cho đến khi không còn mùi nữa thì nhổ ra, rồi lại ngậm nhánh tỏi thứ hai. Ngậm 3 nhánh tỏi có thể khỏi. Trị cảm mạo phong hàn.

Bài 4: tỏi, gừng lượng vừa phải. Tỏi mài trong ít nước trước khi đi ngủ uống ít nước đó. Hoặc lấy vài tép tỏi với mấy lát gừng mỏng cắt nhỏ trộn đều, ăn trong bữa cơm. Trị cảm mạo.

Bài 5: tỏi 2 củ, hành 1 củ, gừng sống 4 lát cho vào nửa cốc nước (100ml), đun sôi một lúc rồi cho thêm ít đường, uống khi còn nóng. Trị cảm mạo.

Gừng

Gừng là một loại gia vị quen thuộc đối với mọi người, có tính kháng khuẩn cao. Chế biến gừng rất đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc có thể dùng nấu chín, các gia vị ăn kèm, hoặc pha trà gừng để uống. Có thể uống trà gừng mật ong đúng cách vào mùa lạnh để ngừa bệnh. Trà gừng và mật ong giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chữa các khó chịu ở đường hô hấp…

Cách dùng: Trước tiên bạn ép gừng lấy nước rồi trộn một thìa cà phê nước gừng với một thìa mật ong, trộn đều hỗn hợp, sau đó có thể ngậm khoảng 3-4 lần trong một ngày.

Nghệ

Trong y học, nghệ cũng là vị thuốc, cho tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, chống cảm lạnh hiệu quả. Hoạt chất curcumin trong nghệ có tính chống oxy hoá, kháng viêm tốt.

Cách dùng: uống một cốc nước nghệ ấm hòa loãng, thêm 1 thìa cafe mật ong cho dễ uống trước khi đi ngủ.

Chanh

Rất giàu vitamin, chanh là vị thuốc bình dị nhưng vô cùng hiệu quả trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Những khi đi mưa dễ nhiễm bệnh, một ly nước nóng từ chanh không chỉ làm ấm người mà còn giúp phòng chống các bệnh lạnh, cảm cúm. Có thể pha chanh nóng hoặc thêm bạc hà, gừng, sả vào để tăng hương vị.

Nguyên liệu:

1 trái chanh

2 túi trà thảo mộc

1 nhánh gừng nhỏ

2 muỗng cà phê mật ong

250ml nước

Thực hiện:

Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, cho vào nước nấu sôi. Thả túi trà vào, tắt bếp, để 5-10 phút, lấy túi trà ra.

Chanh vắt lấy nước cốt.

Cho trà gừng vào nước chanh, thêm mật ong vào khuấy đều.

Trút trà chanh gừng ra ly, dùng nóng.

Hãy giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên để luôn có sức khỏe tốt bạn nhé!

(Tổng hợp: Báo Sức Khỏe và Đời Sống của Bộ Y Tế)

BÌNH LUẬN VỀ BÀI VIẾT